Trang chủ / Tin tức / Khẳng định bản sắc Việt trên gốm

Khẳng định bản sắc Việt trên gốm

09/04/2024 - 507 Lượt xem

Khẳng định bản sắc Việt trên gốm

 Xương cốt cũng vẫn là đất xứ Bình Dương, Sông Bé trộn cùng đất vùng  Trúc Thôn (Hải Dương), da điểm những hoạ tiết chủ yếu là hoa văn của các dân tộc Việt Nam, nhưng những tác phẩm gốm của “Gốm Việt” đã có được một dung mạo riêng.

 Ông Nguyễn Văn Tâm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần mỹ thuật Gốm Việt (GV) –  hân hoan: “Bí quyết của gốm là ở đất. Đất trộn vào nhau, qua 4 bể ngâm loại bỏ những kim loại như sắt, chì…”. So với những thương hiệu gốm khác,  GV có được nét riêng là ở cái  màu nâu gụ, gõ thử hai món gốm vào nhau, tiếng nghe rất đanh sắc. “Màu gụ, màu đất có được do quá trình đất được ngâm ủ, rồi được nung ở nhiệt độ 1.200độC… Trải qua quá trình như vậy, món gốm bị loại bỏ hết những chất độc hại, có thể  dùng trong ăn uống, như ngày xưa các cụ nhà ta vẫn dùng” – ông Tâm nói. Thầy gốm của ông Tâm là ông Lý Ngọc Minh. Thầy truyền lửa, chứ ít truyền nghề. Hầu hết những chuyến đi ra nước ngoài, hay  trong nước học hỏi hay tìm kiếm thị trường của ông Minh – ông chủ sứ Minh Long – 5-6 năm qua, ông Tâm đều tháp tùng. Khi nào quá bí chạy tới hỏi, thầy quân sư cho vài đường. Nhưng khác với “sư phụ”, ông Tâm quyết định đưa hoa văn các dân tộc VN lên sản phẩm GV. “Người ta nhìn vào biết ngay là sản phẩm từ VN! – ông Tâm mỉm cười – năm qua, GV xuất sang nước ngoài được một “công” thì tiêu thụ được trong nước cũng phải “công” mốt. Tiêu chí gốm của chúng tôi là đẹp và dùng được”.

 Ông Tâm sở hữu những 3 bằng đại học, trong 2 bằng nhận ở Ukraina năm 1987 có 1 bằng từ Khoa Hội hoạ – ĐH Mỹ thuật Kiev. Bởi thế, trong 127 mẫu mã của GV, riêng mình ông Tâm thiết kế được 70 mẫu. “Chúng tôi hiểu rằng, cái duyên của gốm Việt chúng ta là ở sự thô mộc, trong sự thô mộc nổi lên sự tao nhã. Phần nhiều sản  phẩm của GV  chỗ thô, chỗ mộc, chỗ rắc cát, chỗ lại phủ men… tạo  nên độ sáng- tối, bóng-mờ, độ căng của khối” – ông Tâm giới thiệu. 12 tuổi mới rời làng thoát ly lên thành phố  nên nhiều  món gốm trang trí, ông Tâm sáng tác đậm hơi thở đời sống nông dân như Đàn ông thổi lửa, hút thuốc, đàn bà ăn trầu… – dân dã và ngộ nghĩnh.

 Ý tưởng làm “Thuở ban đầu” – tác phẩm đầu tay, tạo thương hiệu GV của ông Tâm nảy sinh lúc ông ngồi vơ vẩn “bên bờ ao nhà mình”, nhìn thấy cái hạt nhãn đang nảy mầm, nghĩ ra kiểu bình đôi ghép lại như người đàn ông bên người đàn bà bật lên mầm sống. Năm 2004, bình gốm “Tình mẫu tử”  của ông Tâm đoạt Giải thưởng Sáng tạo kiểu dáng sản phẩm “Golden-V” của Phòng Công nghiệp-Thương mại VN, nhóm tượng “Ba thiếu nữ” của ông cũng  nhận được Giải Bạc “Ngôi sao Việt Nam trong ngành thủ công mỹ nghệ” năm 2002.

 Mùng 8 âm lịch đẹp ngày, GV mới nổi lửa nhóm lò ở hai xưởng, một nằm khuất nẻo sâu trong Khu du lịch Văn Thánh – TPHCM, một ở Đồng Nai. Bắt đầu một năm mới lao động, những người thợ gốm lặng im và cần mẫn ngồi vào những bàn xoay, hay cầm bút vẽ lên những chiếc bình. “Không lo lắng  vấn đề thiết kế mẫu mã, tài chính, GV lo là tuyển, đào tạo những  thợ có tay nghề. Người thợ gốm, ngoài hoa tay vẽ, phải có tâm. Mỗi một sản phẩm gốm được làm ra  theo mẫu mã chung, nhưng mang tâm trạng, tình cảm  người  thợ ở nét  vẽ. Người ta nói, làm gốm là ngẫu hứng sáng tác trong khuôn khổ, là vậy” – ông Tâm cười