Đã thấy xuân về với tranh xưa...


Mỗi năm cứ vào độ cuối tháng Chạp, bà cụ gần nhà tôi lại nhắc nhở con cháu trong nhà phải đi tìm mua một vài bức tranh Tết Hàng Trống về treo, giống như nhớ mấy ngày Tết trong nhà luôn phải có mâm ngũ quả tươi ngon, mấy cây mía tím. Mùa xuân dường như bắt đầu từ đó...
 
 
Chơi tranh ai dễ biết tranh

Tranh Hàng Trống không được nhiều người biết đến như tranh Đông Hồ, cũng bởi vì phương thức sản xuất của nó. Nếu như một người thợ in tranh Đông Hồ có thể ngồi in hàng nghìn bức tranh trong vòng ba, bốn ngày, thì thợ làm tranh Hàng Trống cặm cụi suốt thời gian ấy cũng chỉ hoàn thành xong một bức.

Điểm khác biệt lớn nhất là trong khi tranh Đông Hồ có bản gỗ in màu từng mảng lớn thì tranh Hàng Trống phải do người thợ ngồi tô màu từng chi tiết nhỏ.

Xuất phát từ nghề làm tranh thờ, cả dòng tranh Hàng Trống bây giờ còn có một nghệ nhân, ông Lê Đình Nghiên, ở phố Cửa Đông (Hà Nội).

Ông Nghiên bảo, tranh Hàng Trống bây giờ ít người mua nên khó bán, cả một khu phố làm tranh nhộn nhịp ngày xưa rồi cứ thế mà thưa vắng dần, chỉ còn nhà ông là còn kiên gan gắn bó với nghề.

Không kiên gan sao được, bởi để có một bức tranh hoàn chỉnh, trước tiên là phải biết cách bồi bức tranh lên trên mặt gỗ thế nào cho phẳng, cho ngay ngắn. Bồi không khéo gặp khi trời khô, tranh cong vênh lên như bánh đa, công lênh tô màu xem như đổ xuống sông xuống bể.

Đến cái công đoạn tô màu cũng muôn phần phức tạp. Bức tranh mẫu màu sắc thế nào thì tranh tô cũng phải y nguyên như thế, tuân thủ đúng quy trình, anh thợ nào "hứng chí" sáng tạo thêm màu thì xem như bức tranh hỏng kiểu. Một bức tranh được xem như đạt yêu cầu khi đường nét sắc gọn, màu tô không bị trùm lên nét in, không được loang sang nhau, bức tranh phẳng phiu, bố cục cân chỉnh.

Bộ sưu tập ván in

Nếu tranh Đông Hồ ăn nhau ở chỗ quết điệp, thì tranh Hàng Trống khó ở công đoạn bồi giấy và tô màu, kỹ thuật càng tinh xảo bao nhiêu, bức tranh càng được tăng thêm giá.trị.

Những bộ tranh lớn như Tố nữ hay Tứ bình, cặp tranh Công- Cá có khi mất cả tháng trời mới hoàn thành phần tô màu cho hàng mấy trăm chi tiết phức tạp. Bởi thế mà tranh Hàng Trống, tuy cũng là dòng tranh dân gian, nhưng nó có cái nét đẹp sắc sảo kiêu kỳ của những cô gái thành thị. Trong khi đó tranh Đông Hô, từng mảng màu khoẻ khoắn; sắc gọn, đường nét trông có vẻ rất "ra môn ra khoai" hệt như những cô thôn nữ của làng quê chân chất.

Thú treo tranh trong nhà mỗi dịp Tết đến của người dân ở khu vực thành thị đã tạo nên sức sống cho dòng tranh này suốt hàng trăm năm qua, nhưng khi nó có phần yếm thế như bây giờ thì ván gỗ cũng chẳng mấy khi được dùng.

Ông Nghiên hiện đang lưu giữ khoảng gần 40 ván in, mà điều kiện bảo quản "tại gia" thế này không chắc rằng lâu dài chúng vẫn còn nguyên trạng.

Ông Nghiên bảo: "Có được bộ ván in tôi được thừa hưởng lại từ cha mình, chỉ có một số mới thuê thợ Đông Hồ khắc lại. Bây giờ tìm được người biết khắc ván in cũng khó như thể tìm kim đáy bể. Ván lỗi thì tranh sai, mà bức tranh bị in sai nét thì không còn là tranh nữa...".

 

 
Người vẽ hồn xuân

Cuối năm là dịp ông Nghiên bận rộn tối mắt tối mũi. Khách miền Nam, khách Việt kiều, khách nước ngoài, ai cũng muốn có được một bức tranh của đích thân nghệ nhân làm cho.

Từng công đoạn thao tác được ông làm một cách tỉ mẩn, cậu con trai cặm cụi cả ngày cũng chỉ được giao cho tô những màu cơ bản: Màu da cam là màu mái ngói, màu đất gạch nung; màu gỗ; màu lam là màu đá; màu đỏ, màu xanh tả những nét vui, mặt người bao giờ cũng có một màu hồng phấn.

Tranh Hàng Trống nhìn vào là thấy rực rỡ chói chang, đặt cạnh nhau hơi "gắt" nhưng nó thực sự sống động và toả ra một không khí rất rộn ràng, náo nức. Chợ quê và Canh nông chi đồ là hai trong số rất nhiều bức tranh được nhiều người biết đến trong thú treo tranh ngày Tết. Nhìn vào tranh đã thấy ngay cái chất tỉ mỉ tài hoa của người Kẻ Chợ.

Ông Nghiên bảo Tết đến nhiều nhà ở thành thị cũng thích treo những bức tranh như Thái đồng vẽ cảnh bảy chú bé đang trèo cây hái đào như mong một năm mới sinh sôi nhiều tài nhiều lộc. Bộ tranh Tố nữ, hay Tứ bình với bốn bức vẽ cảnh sắc bốn mùa trong năm cũng là một thú chơi được nhiều người yêu thích.

Tuy thế, dòng tranh này còn tồn tại được bao lâu nữa chính ông cũng không dám chắc. Liệu những mùa xuân sau, còn ai treo tranh, tờ tranh giấy ngả vàng, ghi dấu những phong tục cổ truyền một thuở?

Nhân Dân
3/2/2010 4:09:30 PM

Bài viết khác
Đã thấy xuân về với tranh xưa

Người nối dòng tranh với tương lai

Tranh thờ Hàng Trống và điện thờ đạo Mẫu

Tranh Thờ Hàng Trống

Tranh Hàng Trống

 
TIN TỨC

dfgdfgd

Tranh dân gian Việt Nam

Khẳng định bản sắc Việt trên gốm

Gốm quê làng cổ

Mỹ thuật truyền thống